CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM
MẬT ONG NGUYÊN CHẤT NÚI NGỌC
Ngọc Sơn là xã thuần nông nằm ở phía bắc của huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang với phần lớn diện tích đất tự nhiên là đất vườn đồi. Để phát huy tiềm năng, lợi thế của diện tích vườn đồi trong phát triển kinh tế, mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán vườn đồi đang được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Tổ hợp tác chăn nuôi ong lấy mật xã Ngọc Sơn là một điển hình trong phong trào nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã. Với mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu “Mật ong nguyên chất Núi Ngọc”, hiện mô hình nuôi ong mật của Tổ hợp tác đã và đang hoàn thiện quy trình để từng bước hướng đến sản phẩm OCOP nhằm vươn ra thị trường.
Trên thực tế, nghề nuôi ong lấy mật ở xã Ngọc Sơn đã có từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu là tự phát ở các gia đình nên còn manh mún, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của người dân. Thế nhưng, những năm gần đây, nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, rủi ro thấp, lại có thu nhập thường xuyên, phù hợp với phát triển kinh tế, Tổ hợp tác chăn nuôi ong lấy mật xã Ngọc Sơn đã và đang nhân rộng mô hình, nhằm tăng thu nhập cho các hộ thành viên. Hiện, Tổ hợp tác đang có gần 200 đàn ong.
Gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật đã từ lâu. Thời gian đầu, chỉ nuôi quy mô nhỏ, với mục đích để dùng là chính. Sau nhiều năm nuôi, dần dần, nhận thấy vùng đất nơi mình đang sống có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong, nhất là diện tích vườn đồi rộng, ông Vũ Quang Thắng – Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi ong lấy mật xã Ngọc Sơn đã mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi cách làm hay của các mô hình nuôi ong đã thành công ở nhiều địa phương rồi cùng với các thành viên trong Tổ hợp tác đầu tư máy móc phục vụ quá trình sản xuất mật ong một cách bài bản hơn. Hiện nay, Tổ hợp tác đang có 03 hộ cung cấp mật ong trên địa bàn xã, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu “Mật ong nguyên chất núi Ngọc”.
Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi và được những chủ ong có kinh nghiệm lâu năm giúp đỡ, ông Vũ Quang Thắng và các thành viên Tổ hợp tác đã học được nghề nuôi ong khá thành thạo. Nhờ vị trí nuôi thuận lợi, cây có nhiều hoa và lượng thức ăn dồi dào nên đàn ong cho nhiều mật. Trung bình mỗi tổ 1 năm thu hoạch 2-3 lần và được thương lái đến thu mua tận nơi với giá cao. Theo ông Thắng, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được. Mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong.
Nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong như di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn…Nuôi ong chỉ để lấy mật dùng trong gia đình thì khá dễ nhưng nuôi số lượng lớn để có thu nhập thì rất khó. Người nuôi cần phải am hiểu thời tiết, các vùng địa lý nhiều nơi và thấu hiểu được bản chất của con ong. Sống với ong như bạn thì mới nuôi ong được. Muốn ong cho mật tốt phải đem ong đến những vùng có mùa hoa nở rộ. Nếu không nắm vững thì khi đưa đàn ong đến những nơi có hoa để hút mật mà hoa đã tàn, lúc đó mật thì không có, ong bị đói, cắn nhau chết hàng loạt.
Nhờ được nuôi dưỡng hoàn toàn từ thiên nhiên nên sản phẩm Mật ong nguyên chất Núi Ngọc của Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật xã Ngọc Sơn luôn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Những dòng mật đặc sánh màu vàng nhạt bắt mắt. Nhấp vào đầu lưỡi, có thể cảm quan ngay một mùi hương thơm đặc trưng, có vị riêng so với những loại mật ong từ hoa khác. Đáng nói, hoa từ các vườn đồi tự nhiên nên hoàn toàn sạch, không thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân hóa học nên có thể nói. “Mật ong Nguyên chất núi Ngọc chất đến từng giọt” và là loại mật hữu cơ đúng nghĩa.
Với chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có mã vạch, hạn sử dụng và được phân phối rộng rãi…, là những tiêu chí mà mô hình nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác chăn nuôi ong lấy mật xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa đã và đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm khẳng định thương hiệu và trở thành thói quen tiêu dùng trong đời sống hàng ngày của người dân. Thời gian tới, mô hình nuôi ong mật của THT chăn nuôi ong lấy mật xã Ngọc Sơn hướng đến sản xuất quy mô tăng số lượng đàn, đầu tư mở rộng cơ sở vật chất như nhà xưởng để xử lý chiết lọc, đóng chai, tổ chức liên kết với các hộ nuôi ong không thuộc Tổ hợp tác trên địa bàn xã. Để đạt được hiệu quả cao, rất cần các cấp, ngành tạo điều kiện hơn nữa để tham gia nhiều sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm “Mật ong nguyên chất Núi Ngọc” đến với người tiêu dùng./.